Chỉ còn khoảng tuần nữa, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi quốc gia 2015. Tuy nhiên, góp ý về 3 phương án thi, nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều nhà giáo vẫn tranh cãi nảy lửa, mỗi ý kiến một kiểu chưa có sự thống nhất.
Tại hội thảo góp ý 3 phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhiều ý kiến chuyên gia đã “mổ xẻ” vấn đề và mỗi ý kiến một kiểu chưa có sự thống nhất.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội: Không nên căn cứ vào số đông để lựa chọn!
Đặc câu hỏi, làm thế nào để kỳ thi quốc gia phải đảm bảo được độ tin cậy, trung thực? TS Tùng Lâm cho rằng, do chất lượng giáo dục phổ thông lâu nay của ta không đồng đều giữa các vùng miền, giữa trường công lập và ngoài công lập, giữa phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Liệu các cấp lãnh đạo và người dân có chấp nhận bằng lòng với mọi kết quả của kỳ thi hay không? Hay có cách nào để giải quyết mâu thuẫn chuẩn quốc gia với mặt bằng giáo dục thực tế của mỗi địa phương hiện nay? Chúng ta có thực sự muốn chống bệnh thành tích bằng mọi giá trong giáo dục ở các cấp hiện nay hay không? Nếu không có biện pháp thống nhất giải quyết tận gốc vấn đề này, chúng ta sẽ rất lúng túng trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia. Cách tổ chức thi sẽ nửa vời, không triệt để và như vậy sẽ không đổi mới được gì.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
Hiện nay, nếu căn cứ vào các con số thống kê để lựa chọn 3 phương án môn thi của Bộ GD-ĐT chắc chắn số giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh chỉ chọn phương án 1 của Bộ gần như tuyệt đối nhưng đây vẫn là cách làm cũ, cồng kềnh, tốn kém, không cần thiết. Trong khi đó các trường ĐH, CĐ chọn phương án 2 là chính. Đây thực sự là phương án thực sự đổi mới nhưng các trường phổ thông rất ngại vì chưa quen. Vậy lựa chọn môn thi, không nên căn cứ vào số đông để lựa chọn mà phải có căn cứ yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của Nghị quyết 29 làm chuẩn. Đảm bảo kỳ thi quốc gia lần này sẽ hỗ sợ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và cả ĐH, lại phải giảm áp lực, đỡ tốn kém cho người dân.
“Về môn thi, không nên tham lam nhiều môn thi để đánh giá năng lực học sinh chỉ cần tập trung thi 2 môn cơ bản: văn, toán và thêm môn ngoại ngữ để đánh giá năng lực hội nhập của học sinh là đủ. Với môn ngoại ngữ, hiện nay có một số địa phương chưa có điều kiện, Bộ phải có phương án thay thế còn không nên bỏ môn ngoại ngữ” – ông Lâm cho hay.
TS Lâm kiến nghị: “Bộ nên tổ chức bắt buộc các lớp 12 kiểm tra thi cuối kỳ 1 và cuối năm bằng đề thi của Bộ cho cả 8 môn thi chính. Học sinh buộc phải học toàn diện để có điểm tổng kết cuối năm mới được thi quốc gia, thầy trò căn cứ các đề thi của Bộ mà điều chỉnh cách dạy, cách học cho phù hợp với yêu cầu đổi mới”.
Về coi thi và chấm thi, theo TS Lâm, bắt buộc phải có lực lượng cán bộ, giáo viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các hội đồng coi, chấm thi, không khoán trắng cho các địa phương. Nhưng để đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan nên lắp camera cho các phòng thi, giám sát 100% thời gian thi. Cách làm quyết liệt này sẽ đảm bảo kỳ thi quốc gia trung thực, khách quan nhưng phải chấp nhận mọi kết quả. Bộ phải bỏ việc đánh giá, xếp loại các trường, các tỉnh thành.
Về công nhận tốt nghiệp, những học sinh không tốt nghiệp vẫn có giấy chứng nhận học hết THPT để đi học nghề. Còn học sinh nào muốn học ĐH, CĐ phải để sang năm thi lại cùng với học sinh khóa sau hoặc có thể đến tháng 9 tổ chức tiếp kỳ thi quốc gia như kỳ thi đầu thán 6 để những học sinh nào không đạt thi lại và cả những học sinh đạt điểm thấp thi lại để các trường ĐH, CĐ có điều kiện xét tuyển thêm.
GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN): Ngoại ngữ nên là môn thi bắt buộc!
GS Lộc cho rằng: Đã có học là có đánh giá, muốn đánh giá phải có kiểm tra, phải có thi, điều đó xuất phát từ quyền lợi của của người học, không phải do ý muốn duy lý trí của người quản lý. Mỗi kỳ đánh giá đều có mục tiêu riêng của nó. Chính vì vậy, đã đến lúc không nên bàn bỏ kỳ thi nào, có kì thi nào nữa, hãy hành động theo một lẽ đơn giản: kiểm tra, thi là một bộ phận tất yếu trong quá trình dạy, học. Hãy triển khai hoạt động này một cách nhẹ nhàng, bình thường như mọi hoạt động khác của nhà trường, đừng nặng nề hóa nó, biến nó thành một “hiện tượng xã hội”, hãy coi nó là công việc tâm huyết của thầy và trò.
Xem xét một cách toàn diện, tôi cho rằng, phương án 1 vẫn là hợp lý nhất trong bối cảnh và tình hình giáo dục của Việt Nam hiện nay. Phương án thi này đảm bảo được tính kế thừa, phát huy những ưu điểm của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, là bước chuyển dịch nhẹ nhàng, giúp cả giáo viên và những người làm công tác quản lý giáo dục có thể sẵn sàng thích nghi và thực hiện tốt. Cải tiến việc tổ chức thi, nhẹ nhàng, đi vào thực chất, trao quyền và trách nhiệm xã hội cho cơ sở, chấp nhận sự phân hóa giáo dục.
GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc.
GS Mỹ Lộc đề xuất: Thi môn ngoại ngữ (tiếng Anh) bắt buộc với tất cả các vùng. Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi điều kiện học tập môn học này đối với học sinh các vùng, miền là không giống nhau, thậm chí chênh nhau rất lớn. Do đó, nên để môn ngoại ngữ là môn cộng điểm ưu tiên sẽ hơp lý hơn.
Dân đần, trong quá trình này cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, đến thời điểm chín muồi, tất yếu sẽ theo hướng tích hợp các môn với mục tiêu nâng cao hơn năng lực vận dụng kiến thức, chuyển sang thi theo phương án 2 là hợp lý.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT: Nên hình thành một đội đặc nhiệm để chuẩn bị kỳ thi!
Nhận xét về 3 phương án thi mà Bộ đưa ra, GS Thiệp cho rằng: Phương án 1 là “bảo thủ”, không khoa học, phương án dẫm chân tại chỗ, tiếp tục quá trình trì trệ không thay đổi; phương án 2 là phương án khoa học và tiến bộ nên lựa chọn và tích cực chuẩn bị để thực hiện phương án này vì nó cho phép đánh giá bao quát chương trình phổ thông và giúp các trường đại học dễ dàng dựa vào kết quả để xét tuyển. Nếu điều chỉnh phương án 2 chút ít thì sẽ hay hơn: mọi thí sinh bắt buộc phải thi Toán và Ngữ văn, còn 3 môn sau cho phép học chọn 2 hoặc cả 3 môn thi nếu muốn có nhiều phương án chọn vào đại học.
Phương án 3 không ổn vì môn Ngữ văn, đặc biệt phần tiếng Việt là rất quan trọng đối với mọi thí sinh, phải để riêng, không nên gộp chung vào đề tổng hợp về khoa học xã hội.
GS Thiệp cho hay, hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng tổ chức tốt kỳ thi quốc gia, tuy nhiên muốn vậy phải có thời gian chuẩn bị. Do vậy, Bộ cần lựa chọn phương án và quyết định sớm để kịp thực hiện vào cuối năm 2015, nếu quyết định chậm sẽ khó khăn về quỹ thời gian.
Chúng tôi khuyến nghị Bộ nên hình thành một Đề án hoặc thành lập một Đội đặc nhiệm do một lãnh đạo Bộ chủ trì, để chuẩn bị và triển khai kỳ thi, khi nào công việc ổn định mới trao lại cho các cơ quan chuyên trách.
GS Thiệp nhấn mạnh: “Vừa qua trong quá trình thảo luận về việc lựa chọn các phương án thi, một số tờ báo đã tổ chức trưng cầu ý kiến bạn đọc. Tôi nghĩ Bộ tham khảo kết quả trưng cầu ý kiến đó để triển khai và tuyên truyền giải thích cho xã hội yên tâm và ủng hộ. Tuy nhiên, không nên phụ thuộc vào các kết quả trưng cầu ý kiến nêu trên vì đây là quyết định có tính khoa học, phải dựa vào sự phân tích khoa học của các chuyên gia am hiểu để lựa chọn phương án chứ không nên dựa vào “phổ thông đầu phiếu”. Bởi vì rất nực cười nếu người ta dựa vào ý kiến trưng cầu của mọi người nông dân để lựa chọn phương pháp sinh học lai tạo ra giống lúa nào đó”.