Nói về nạn bằng dỏm và sính bằng cấp hiện nay, Tiến sĩ Ngô Tự Lập – khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội ví rằng: “Bằng cấp có thể coi là một thứ “mỹ phẩm trí tuệ”. Chúng ta có ai là không muốn con cái mình học hành đỗ đạt?…”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về nhiều ý kiến cho rằng hiện nay tệ nạn bằng giả, “học thật bằng giả” hay còn gọi là bằng “dỏm” là do việc sính bằng cấp, Tiến sĩ Ngô Tự Lập cho rằng: “Điều đó không đáng trách, nếu không nói là đáng khuyến khích. Việc người dân và con cái họ muốn có bằng cấp cao, càng cao càng tốt, là một xu hướng cơ bản là tích cực. Đó là xu hướng muốn tiến bộ về mặt trí tuệ, muốn được công nhận. Tương tự như cách chúng ta dùng mặc quần áo đẹp và mỹ phẩm để làm đẹp thân thể, con người càng ngày càng có nhu cầu làm đẹp về mặt tinh thần, trong đó có trí tuệ.
Bằng cấp có thể coi là một thứ “mỹ phẩm trí tuệ”. Chúng ta có ai là không muốn con cái mình học hành đỗ đạt? Và con người có một xu hướng tự nhiên là tiết kiệm: tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc… Nếu chúng ta cấp bằng với điều kiện dễ dãi, tại sao người học lại không chọn con đường dễ dãi? Một lần nữa chúng ta lại quay lại với vấn đề chất lượng: Phải làm sao để người nhận bằng xứng đáng với tấm bằng họ nhận. Rõ ràng, trách nhiệm là thuộc về người thầy và cơ sở cấp bằng chứ không phải người nhận bằng”.
Tiến sĩ Ngô Tự Lập.
Bằng giả không liên quan đến ngành Giáo dục!
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng bằng dỏm xuất phát từ ngành Giáo dục?
Trước hết, cần phải nói rằng bằng giả không liên quan gì đến ngành Giáo dục. Việc làm bằng giả, cũng như các loại giấy tờ giả mạo khác, là hành vi phạm tội và nó là đối tượng đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cái chúng ta có thể bàn là “bằng thật học giả”.
Nhưng thế nào là “bằng thật học giả”? Tôi thấy ở đây có điều không rõ ràng. Tất cả các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam, kể cả trường tư, chỉ được phép thành lập nếu đáp ứng TẤT CẢ các điều kiện của Bộ GD-ĐT (về sứ mệnh, giảng viên, cơ sở vật chất…) Tất cả các chương trình, muốn tuyển sinh, cũng phải đáp ứng các điều kiện của Bộ GD-ĐT. Tất cả các em sinh viên, để được cấp bằng, phải đáp ứng điều kiện đầu vào và các điều kiện đầu ra.
Nếu ông nói như vậy, chúng ta không thể nói rằng người được cấp bằng là học giả được?
Đúng, bởi vì các cơ sở giáo dục, các chương trình và người học đều đáp ứng TẤT CẢ các điều kiện được quy định. Điều này đúng với cả các chương trình và học viên không chính quy (tại chức, chuyên tu), bởi vì tất cả các văn bằng được nhà nước cấp phải có giá trị như nhau. Tại sao lại gọi là “bằng thật học giả” khi mà học viên đã đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp bằng? Tất nhiên, chúng ta mong muốn người học sáng tạo hơn, tích cực hơn, có tư duy phê phán hơn. Nhưng đó là chuyện khác. Việc một số cơ quan nhà nước quy định không tuyển nhân viên có bằng không chính quy là trái luật. Và người dân có thể kiện.
Người dân có thể kiện nhưng nhiều tấm bằng hiện nay chưa thực sự xứng đáng, các nhà tuyển dụng chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo?
Nếu người ta định tuyển dụng dựa trên các tiêu chí “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ” như GS Hoàng Tụy nói thì người ta còn có nhiều cách khác, đâu chỉ cần tiêu chí bằng cấp. Và giả sử, bằng dỏm chỉ vào được cơ quan nhà nước, và khó khăn lớn nhất để chống bằng dỏm là “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ”, thì triệt bằng dỏm quá dễ: chỉ cần bỏ tiêu chí bằng cấp là người ta không quan tâm đến bằng dỏm nữa. Trên thực tế, tất cả những người được cấp bằng sớm hay muộn đều tìm được việc làm gì đó, trong đó nhiều người vào làm việc tại các công ty tư nhân và công ty nước ngoài đấy chứ, đâu phải chỉ vào cơ quan nhà nước.
Có cơ chế học phí để người học lựa chọn
Như ông đã nói ở trên về chất lượng đào tạo. Vậy làm thế nào để người học có tấm bằng thật đúng với năng lực của họ?
Bản thân quá trình dạy và học được quyết định chủ yếu bởi những yếu tố là Chương trình, Học liệu, Người dạy và Người học. Cả bốn yếu tố hiện đều có vấn đề, nhưng Chương trình và Học liệu là dễ khắc phục nhất. Vấn đề là làm sao để dạy tốt, học tốt như khẩu hiệu một thời của nền giáo dục nước nhà.
Với người học, theo tôi, chúng ta phải mở rộng cửa để mọi người muốn học đều có cơ hội để học; đồng thời, phải chia sẻ như nhau nguy cơ không được nhận bằng nếu họ không đáp ứng được các yêu cầu của quá trình đào tạo. Còn với người dạy, họ không chỉ cần phải giỏi và tâm huyết với nghề, mà còn phải nghiêm túc và công tâm trong đánh giá. Nhưng làm sao có thể có được những nhà giáo như thế? Và làm sao để họ làm việc nghiêm túc và công tâm như chúng ta mong muốn?
Chắc chắn là chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ mà tôi không thể kể hết ở đây. Nhưng một chính sách học phí hợp lý có ý nghĩa quyết định, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp của ngành giáo dục.
Như tôi đã đề xuất trong bài Học phí đại học: Cần một cách tiếp cận khác, chúng ta chỉ nên có một số ít trường đại học tinh hoa, với tiêu chí tuyển sinh rất khắt khe, nhưng sinh viên được miễn học phí và hưởng học bổng rất cao của nhà nước. Với các trường còn lại, học phí phải nâng lên đáng kể, có thể lên mức vài triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong mỗi trường, không phải tất cả các sinh viên đều phải nộp học phí. Căn cứ vào kết quả học tập, 10% sinh viên xuất sắc nhất không những không phải trả tiền học phí, mà còn nhận được học bổng; 30% tiếp theo được miễn học phí; 60% số sinh viên còn lại phải nộp học phí toàn phần. Cơ chế học phí này buộc người học phải đắn đo khi quyết định có học đại học hay không, và một khi đã vào đại học, họ sẽ phải thực sự nỗ lực liên tục để có kết quả học tập tốt. Nó cũng cho phép các học sinh nghèo tài năng và chăm chỉ có cơ hội được học tập và thành công. Các sinh viên năng lực kém hoặc lười biếng sẽ phải học ở bậc thấp hơn, hoặc tiếp tục học đại học với học phí cao.
Liệu giải pháp trên có khả thi?
Cơ chế trên không chỉ cho phép giảm sự lệ thuộc của đại học vào nguồn ngân sách của Nhà nước mà còn cho phép nâng cao thu nhập một cách chính đáng cho giảng viên. Đó là điều kiện để tuyển giáo viên giỏi. Khi giảng viên sẽ bớt phải “chạy sô” để tăng thu nhập, họ có thêm thời gian để nghiên cứu học hỏi nâng cao trình độ; và các cơ quan quản lý cũng có thể áp dụng các quy định chặt chẽ hơn để chống tiêu cực trong giáo dục, đặc biệt là tệ chạy điểm. Bởi lẽ, giáo viên sẽ phải cân nhắc giữa mức lương cao và ổn định với nguy cơ bị sa thải, hay thậm chí bị truy tố, nếu có hành vi trái đạo đức người thầy.
Cần phải nói rằng Bộ Giáo dục và đào tạo không nên và cũng không thể trực tiếp quyết định chất lượng đào tạo của các trường đại học. Bộ chỉ có thể làm việc đó một cách gián tiếp, thông qua việc ban hành các tiêu chí thành lập trường, tuyển giảng viên, mở ngành, cấp bằng… và sự kiểm soát hoạt động của các cơ sở đào tạo theo các tiêu chí đó.
Trân trọng cảm ơn ông!