Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết trong phiên họp hôm qua, Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới kỳ thi theo tinh thần nghị quyết Trung ương. “Tuy nhiên chủ trương và quá trình thực hiện có những việc chưa lường hết được”, ông Nên đánh giá.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ gọn nhẹ hơn. |
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, mục đích của kỳ thi là tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh song vừa qua giáo dục lại mở rộng nguyện vọng, thời gian xét tuyển, gây phiền hà. Khi nghe thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục nhanh chóng khắc phục cho đợt 2, rút kinh nghiệm để năm sau thực hiện tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học thừa nhận, kỳ thi THPT quốc gia đã bất cập khi để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày.
Bà Phụng cho hay, đầu đợt 1, khi thấy thí sinh phải lên trường đăng ký vất vả, Bộ chỉ đạo mở kênh đăng ký tại các trường phổ thông, Sở Giáo dục. Sau đợt 1, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục khắc phục hạn chế ngay trong đợt xét tuyển thứ 2. Hiện những bất cập đều đã được khắc phục như thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ ngắn hơn (trong 10 ngày) và thí sinh không được rút nguyện vọng.
“Các em chỉ nộp cần phiếu đăng ký xét tuyển ở nơi nào thuận lợi nhất, có thể tại trường phổ thông, Sở Giáo dục, trường ĐH hoặc gửi qua bưu điện”, bà Phụng nói.
Về kỳ thi THPT quốc gia, Vụ trưởng Giáo dục Đại học cho hay, Bộ sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế trong khâu kỹ thuật. “Bộ Giáo dục sẽ tổ chức rút kinh nghiệm tổng thể những gì mà kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển Cao đẳng, ĐH đã không lường trước được, làm sao cho kỳ thi sau gọn nhẹ hơn, đảm bảo chất lượng”, bà Phụng nói.
Về thí sinh ở Bình Thuận cầm biển kêu gọi giúp đỡ khi được 26,5 điểm nhưng không được học đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết chiều 31/8 khi nhận được thông tin báo chí cung cấp về sự nhầm lẫn của Sở Y tế Bình Thuận khi cử thí sinh Trần Văn Sâm đi thi liên thông ngành Y đa khoa (khóa 2015-2019) tại Đại học Y dược Cần Thơ ngày 15/7. “Em Sâm do không đủ điều kiện là viên chức nhà nước cử đi thi nên không được nhận vào học. Sở cho biết thí sinh này mới ký hợp đồng chưa phải là viên chức, sau này xác định vì không đúng đối tượng nên Sâm không đủ để xét trong hệ thống điểm trong các viên chức cử đi thi”, bà Phụng giải thích. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã gọi điện thoại trao đổi trực tiếp với Sở Giáo dục, Sở Y tế và ĐH Y Dược Cần Thơ về việc nếu thí sinh không phải trong hệ viên chức nhà nước thì xét như thí sinh tự do. ĐH Y Dược Cần Thơ đã đồng ý với phương án này. |
Hoàng Thuỳ