Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến trong tháng 3 – 2015, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn bắt buộc như đã thông báo.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Kết quả 4 môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ (nếu các trường sử dụng các môn này để tuyển sinh).
Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh có thể đăng kí thi thêm các môn tự chọnkhác. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được xem xét miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Về tổ chức coi thi, chấm thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH có uy tín và năng lực chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức coi thi, chấm thi. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo các cụm thi liên tỉnh.
Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GDĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh”.
Điểm mới của tuyển sinh 2015 là sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng kí tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ. Ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc này tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây, đã có trường hợp thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH. Trong những năm trước mắt, các em vẫn tiếp tục học, thi, kiểm tra, đánh giá theo chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay nên không phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều. Các em yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo thi
Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 tiếp tục kế thừa những thành công của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua.. Năm 2015 sẽ mở rộng tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm, huy động cán bộ, giảng viên giáo viên của các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT tham gia.
Theo đó, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh nhằm thống nhất chỉ đạo kì thi trên địa bàn. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố làm Trưởng Ban; lãnh đạo trường ĐH, CĐ, lãnh đạo sở GDĐT làm Phó Trưởng Ban; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và tổ chức đoàn thể có liên quan làm ủy viên.
Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức kì thi theo quy chế thi và văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, quy chế thi của các Hội đồng thi, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố và Bộ GDĐT về hoạt động của Ban Chỉ đạo thi, tình hình tổ chức kì thi và việc thực hiện quy chế thi tại địa phương.
Lãnh đạo Hội đồng coi thi, chấm thi đều có thành phần của trường đại học và của sở GDĐT. Tham gia coi thi, chấm thi tại mỗi cụm là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.
Trong kì thi THPT quốc gia năm 2015, những thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng cơ hội hạn chế hơn vì phụ thuộc vào quy định của các trường này. Tuy nhiên, các thí sinh vẫn còn cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến nay đã nhận được 442 đề án và phương án tuyển sinh năm 2015 của các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Những đề theo hình thức tuyển sinh riêng đã được Bộ công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông để trưng cầu ý kiến.
Cuối tháng 12 này, Bộ sẽ “chốt” lại phương án tuyển sinh của từng trường và công bố những đề án tuyển sinh trường nào đủ điều kiện tuyển sinh năm 2015.
Theo Hồng Hạnh – Báo dantri