Phổ điểm thi THPT quốc gia cao hay thấp? Điểm sàn ĐH,CĐ có tăng? xét tuyển như thế nào để cơ hội đỗ ĐH,CĐ cao hơn? Tại sao các trường phải để 75% chỉ tiêu để tuyển sinh theo các khối thi truyền thống?… Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về các vấn đề trên.
Điểm thi cao dĩ nhiên ngưỡng điểm xét tuyển sẽ cao
Điểm thi của thí sinh vừa được công bố, xin Thứ trưởng cho biết phổ điểm thi năm nay như thế nào so với mọi năm?
Bộ vừa hoàn tất kết quả thi của thí sinh để công bố. Bộ đã giao Cục Khảo thí khẩn trương thống kê, phân tích dữ liệu để đánh giá chất lượng kỳ thi, kết quả thí sinh đạt được năm nay so với năm ngoái cả về xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Cơ sở đánh giá chất lượng kỳ thi sẽ dựa vào phổ điểm của kết quả thi.
Năm nay phổ điểm của hầu hết các môn thi đều nhích lên về phía điểm cao, nghĩa là điểm trung bình nằm trong vùng 5-6 điểm. Điểm thấp, gần 0 điểm và điểm cao, 9-10 điểm cũng ít hơn do đề thi vừa kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa kiến thức nâng cao.
Năm 2015, các trường tự chủ đưa ra các tổ hợp xét tuyển rất đa dạng, vậy cách xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như thế nào thưa thứ trưởng?
Tuy tổ hợp xét tuyển của các trường năm nay rất đa dạng nhưng qui chế tuyển sinh qui định các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống.
Mặt khác, ngưỡng đảm bảo đầu vào năm nay chỉ liên quan đến xét tuyển và chỉ tiêu của các trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia còn gần 200 trường có đề án tự chủ tuyển sinh sẽ dựa vào kết quả học tập phổ thông để xét tuyển một phần chỉ tiêu của mình. Vì vậy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ được xem xét chủ yếu dựa vào chất lượng nguồn tuyển.
Năm 2014 Bộ đã có kinh nghiệm về việc này. Dự kiến ngày 28-7 tới Hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp để tư vấn cho Bộ trưởng công bố ngưỡng điểm để các trường dựa vào đó thông báo tuyển sinh
Nhiều ý kiến nhận định, với phổ điểm thi năm nay cao, ngưỡng điểm sàn sẽ tăng hơn so với năm trước?
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là ngưỡng điểm tối thiểu mà thí sinh có thể học được bậc ĐH, CĐ, căn cứ vào chất lượng nguồn tuyển là chính. Do đó nó phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề thi. Khi mức độ khó của đề thi giảm, kết quả thi của thí sinh cao hơn thì dĩ nhiên ngưỡng này cũng nhích về phía điểm cao.
Do tính chất của kỳ thi, năm nay đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản nên điểm thi ĐH sẽ cao hơn năm ngoái. Sắp tới Hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp bàn nguyên tắc chung để xác định ngưỡng điểm đầu vào phù hợp và đơn giản nhất để các trường có thể áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển đa dạng của trường mình.
Với cách xét tuyển mới năm nay, liệu có sự may rủi trong xét tuyển đối với thí sinh không? Thứ trưởng có chia sẻ gì với thí sinh trong việc xét tuyển để cơ hội đỗ ĐH,CĐ cao hơn?
Qui chế năm nay hạn chế tối đa rủi ro đối với thí sinh. Trước hết thí sinh biết kết quả thi rồi mới đăng ký xét tuyển nên các em chỉ nộp hồ sơ xét tuyển vào những trường phù hợp với kết quả thi của mình.
Trong quá trình xét tuyển đợt 1, nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác với khả năng trúng tuyển cao hơn. Mặt khác, mặc dù các em chỉ nộp vào 1 trường nhưng với 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường này với giá trị xét tuyển như nhau. Tất cả những qui định đó đều rất có lợi cho thí sinh.
Tuy nhiên thí sinh cũng cần lưu ý là khi các em đã trúng tuyển vào một ngành, trường nào rồi thì không còn được tham gia xét tuyển những đợt tiếp theo nên cần cân nhắc, lựa chọn trường, ngành đăng ký phù hợp nhất, đặc biệt là trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Thí sinh hồi hộp chờ điểm sàn!
Xử lý dễ dàng nếu “ảo cục bộ”
Thưa thứ trưởng, tại sao Quy chế thi yêu cầu các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để tuyển sinh theo các khối thi truyền thống?
Thí sinh thi năm nay đã chuẩn bị ôn tập, định hướng khối thi từ 3-4 năm trước, nghĩa là các em đã tập trung ôn tập theo các khối yêu thích A, A1, B, C, D truyền thống. Nếu năm nay qui chế không qui định dành chỉ tiêu thích hợp cho các khối truyền thống thì thí sinh sẽ hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý. Các trường có thể bổ sung các tổ hợp xét tuyển mới phù hợp với yêu cầu ngành nghề để thí sinh quen dần.
Nhiều trường đại học lo lắng năm nay sẽ “ảo” nhiều vì thí sinh có nhiều nguyện vọng, trong mỗi đợt xét tuyển lại được thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ, bộ nghĩ sao về điều này?
Trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh chỉ nộp 1 giấy báo kết quả thi vào một trường nên không gây ảo cho trường khác. Mặc dù trong đợt này mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng nhưng chỉ giới hạn xét tuyển của 1 trường nên vấn đề “ảo cục bộ” này có thể được xử lý dễ dàng.
Thường trong đợt xét tuyển đầu tiên, các trường tuyển được phần lớn chỉ tiêu. Những thí sinh đã trúng tuyển đợt này sẽ không còn trong danh sách tham gia xét tuyển đợt tiếp theo. Do đó mặc dù trong đợt tuyển bổ sung thí sinh được phép nộp cùng lúc 3 giấy báo kết quả thi, mỗi giáy báo có 4 nguyện vọng xét tuyển, tỉ lệ ảo sẽ cao, nhưng số lượng thí sinh không còn nhiều, việc xử lý sẽ không có khó khăn gì lớn.
Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!