Biết điểm thi rồi mới nộp hồ sơ xét tuyển đã giúp thí sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, và theo các chuyên gia giáo dục thì năm nay thí sinh có nhiều cơ hội đỗ đại học hơn. Tuy nhiên điều này cũng khiến việc “phân hóa” chất lượng thí sinh giữa các trường top trên, top dưới, giữa đại học và cao đẳng trở nên rõ ràng hơn.
Khảo sát của phóng viên, đến hết ngày 6-8, nhiều trường Đại học lớn đã nhận một lượng hồ sơ đăng ký khổng lồ với rất nhiều thí sinh điểm cao. Trong khi đó, hầu hết các trường cao đẳng lại đang rất lo lắng về việc sẽ khó tuyển sinh hơn những năm trước.
Đại học “bội thu” điểm cao
Nếu như ở những kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây, ở thời điểm sau khi đã kết thúc kỳ thi, thí sinh chỉ việc ngồi nhà chờ kết quả và giấy báo trúng tuyển thì năm nay đây là thời điểm các em bắt đầu bước vào cuộc đua nguyện vọng 1 khá căng thẳng.
Theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, giai đoạn xét tuyển nguyện vọng 1 của các trường đại học, cao đẳng trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 kéo dài từ ngày 1 đến ngày 20-8 nhưng đến nay, rất đông thí sinh đã tập trung về các trường đại học lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Chỉ sau ít ngày nhận hồ sơ, một số trường đã nhận lượng hồ sơ xấp xỉ chỉ tiêu, có trường nhanh chóng công bố danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời.
Tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội hết ngày 4-8 đã có trên 3.400 hồ sơ xét tuyển trên tổng số 6.000 chỉ tiêu. Khác với các năm trước, điểm chuẩn năm nay sẽ được xác định theo thang điểm 10 dựa trên điểm trung bình các môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển có xét tới hệ số môn chính (hệ số 2), cộng với điểm ưu tiên.
Nhìn vào mặt bằng chung thí sinh nộp hồ sơ vào trường ĐH Bách Khoa, năm nay mức điểm thấp nhất là 7, mức điểm 8-9 khá nhiều, cá biệt có một thí sinh đạt mức điểm trên 10. Theo bộ phận tuyển sinh của trường thì trong những ngày nhận hồ sơ, chỉ có vài thí sinh đạt tổng điểm dưới 20 đến nộp hồ sơ, sau khi được Ban tuyển sinh tư vấn đã xin rút hồ sơ ngay.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong số hơn 1.300 hồ sơ đăng ký xét tuyển thì có hơn 900 thí sinh được xác định có khả năng nằm trong danh sách trúng tuyển. Trường đã công bố mức điểm trúng tuyển tạm thời giữa các ngành, dao động khá cao thấp nhất 18 điểm, cao nhất là 27,5 điểm.
Trường ĐH Y Hà Nội mới nhận được trên 400 hồ sơ, nhưng mặt bằng chung điểm rất cao, rất ít thí sinh đạt mức điểm 20-22 và số thí sinh này chỉ đăng ký vào các ngành đào tạo cử nhân. Mức điểm 26-29 khá phổ biến, có thí sinh đạt tới 31,75 điểm cả ưu tiên. ĐH Ngoại thương hai cơ sở tại Hà Nội và TP. HCM đã có hơn 1.000 hồ sơ nộp xét tuyển NV1, các thí sinh đều có mức điểm trên 22, số thí sinh được 26 đến 28 điểm cũng khá nhiều. Ở khối A ngành Kinh tế, thí sinh dẫn đầu đạt 31 điểm, thí sinh nộp hồ sơ vào ngành Ngôn ngữ Anh phổ biến đạt trên 30 điểm, cao nhất có thí sinh đạt 37,5. Học viện Ngân hàng đến nay đã nhận trên 400 hồ sơ đăng ký, mức điểm trên 20.
Dù lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 chưa đủ chỉ tiêu nhưng nhiều trường đại học đã khá tự tin vào việc năm nay mặt bằng điểm chung của thí sinh đăng ký vào trường sẽ cao hơn năm ngoái.
Nhiều cơ hội nhưng khó lường
Năm nay thí sinh tuy có nhiều cơ hội hơn nhưng lại rất khó lường. Dù có thể có điểm cao hơn điểm chuẩn năm trước, cao hơn điểm khởi đầu để xét tuyển nhưng cũng không ai dám chắc thí sinh đó sẽ trúng tuyển, vì có thể lượng hồ sơ đổ vào ngành học đó lớn hơn. Thí sinh được phép rút hồ sơ nếu thấy khả năng đỗ thấp, nhưng thủ tục này cũng khá mất công sức. Tuy thí sinh được đăng ký tới 4 nguyện vọng trong cùng một trường, nhưng theo các trường thì việc cơ hội trúng tuyển ở NV2, 3, 4 thường khó hơn rất nhiều so với NV1.
Các trường thường muốn tuyển xong trong NV1, chỉ thiếu chỉ tiêu mới tuyển NV bổ sung do tỷ lệ ảo đối với NV bổ sung rất lớn, vì thí sinh còn tới 3 giấy kết quả (mỗi giấy 4 NV) cơ hội trúng tuyển sẽ rất lớn. TS Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng thường các trường ĐH để đầu vào rộng để tuyển đủ thí sinh luôn đợt đầu vì muốn chắc chắn và muốn bắt đầu năm học mới sớm. Nếu phải tuyển đến nguyện vọng bổ sung, điểm đợt sau sẽ phải lớn hơn (hoặc bằng) điểm NV1 và việc tìm kiếm những thí sinh như thế đối với một số trường là không đơn giản.
Trao đổi trong một buổi tư vấn tuyển sinh mới đây, PGS Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng cơ hội trúng tuyển đại học của các thí sinh năm nay là rất lớn với điều kiện thí sinh phải có cách tính toán hợp lý. “Với cách đăng ký hồ sơ xét tuyển này, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm đỗ đại học, cao đẳng. Theo tôi, thí sinh năm nay rất khó trượt, nếu trượt là do cách tính toán của các em sai lầm, hoặc quyết định chỉ học những trường mình yêu thích.” – ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa tư vấn trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của những năm trước đó, vì ngành nào điểm cao thường điểm sẽ tiếp tục cao. Các thí sinh nộp hồ sơ theo nguyên tắc: Điểm càng lệch theo chiều hướng tăng so với những năm trước càng xa thì càng an toàn. Học sinh nên lưu ý phải tận dụng tối đa 4 ngành trong một trường để đảm bảo độ an toàn của mình.
Các ngành theo thứ tự từ 1-4, học sinh tính toán về độ an toàn sao cho đảm bảo. “Ví dụ: Ngành thứ nhất có thể mình yêu thích, ngành thứ hai gần sát với điểm chuẩn, ngành thứ ba sát với điểm chuẩn so với năm ngoái. Học sinh không nên vội vã rút hồ sơ mà lựa chọn kỹ. Những thí sinh chỉ đạt điểm sàn trở lên là 15-16 điểm, có thể chọn ngành đại học và cao đẳng vào cùng một trường để đảm bảo sự an toàn”.
Nhiều trường cao đẳng lo “ế”
Khảo sát chung năm nay tuyển sinh cao đẳng có vẻ trầm lắng hơn những năm trước. Những trường có “thương hiệu” cho biết tiến độ nộp hồ sơ tương đối chậm, trong khi nhiều trường vẫn “trắng tay”, rơi vào tình cảnh dài cổ chờ đợi một cách khó dự tính. Con số công bố của các trường cao đẳng phía Nam dù chưa nhiều nhưng có phần vẫn khả quan.
Tính đến hết ngày 4-8, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) nhận được khoảng 1.400 hồ sơ. Theo đại diện nhà trường thì tiến độ nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh tương đối chậm, có lẽ là do thời gian kết thúc nộp hồ sơ còn dài nên thí sinh tiếp tục theo dõi thông tin. Trường CĐ Công Thương TP.HCM nhận khoảng 700 hồ sơ, tuy chậm nhưng đại diện nhà trường cho rằng “tạm được” vì thời gian xét tuyển còn dài. Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM nhận xấp xỉ 300 hồ sơ mức điểm phổ biến 12-16 điểm.
Có thể thấy năm nay ở các trường cao đẳng có “thương hiệu” thì điểm xét tuyển của thí sinh vẫn tương đối cao, nhiều thí sinh đạt trên mức điểm sàn xét tuyển đại học, có thí sinh đạt trên 22 điểm vẫn nộp hồ sơ xét tuyển cao đẳng. Ví như Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, theo như danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời mà trường công bố thì có những chuyên ngành lượng thí sinh đạt điểm trên 15 lên tới trên 50%. Tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho biết chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh từ 15-16 điểm trở lên, tùy theo ngành.
Trong khi đó tại Hà Nội, số lượng trường công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển rất ít, ở một số trường con số công bố cũng chỉ dừng lại ở vài chục. Trường CĐ Công nghệ và Kinh tế Trung ương (Gia Lâm, Hà Nội) đến hết ngày 5-8 chỉ có chưa đầy 50 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, trường Cao đẳng Thương mại Du lịch Hà Nội con số cũng dừng lại ở vài chục hồ sơ.
Nếu như những năm trước nhiều trường cao đẳng tổ chức thi tuyển thì đến thời điểm này đã có được một số lượng thí sinh không nhỏ vào trường mình theo nguyện vọng 1. Nhưng năm nay, nhiều trường gần như vẫn chưa có thí sinh nào nộp hồ sơ. Nhiều trường cao đẳng lo lắng năm nay có thể họ sẽ bị đảo lộn kế hoạch đào tạo do có thể đến tận tháng 11 thì thí sinh mới quan tâm đến hệ cao đẳng. Hơn nữa, ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của hệ cao đẳng 12 điểm, nhiều trường cho là vẫn còn cao.
Đặc biệt việc gia tăng số trường đại học tuyển sinh bằng học bạ, càng khiến các trường cao đẳng khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh. Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM Nguyễn Tác Anh cho rằng, nếu như mọi năm nguồn tuyển của các trường cao đẳng là những thí sinh dưới điểm sàn đại học nhưng trên ngưỡng xét tuyển cao đẳng thì năm nay, việc có tới 198 trường tuyển sinh bằng học bạ THPT so với 50 trường của năm ngoái khiến nhiều thí sinh khi không đủ điểm vào đại học bằng điểm thi THPT quốc gia vẫn có thể trúng tuyển bằng cách xét học bạ. Với mức điểm học bạ 6,5 điểm là đã có thể vào đại học thì điều đó quá đơn giản, sẽ ít thí sinh nghĩ đến cao đẳng hay trung cấp.
Hơn nữa, mỗi thí sinh có tới 4 đợt xét tuyển ở các trường đại học, mỗi đợt có 4 nguyện vọng. Điều này gia tăng cơ hội đỗ đại học cho thí sinh, thế nên theo tâm lý chung khi không còn cơ hội vào các trường đại học nữa thì thí sinh mới nộp hồ sơ vào cao đẳng, vì vậy theo các trường cao đẳng thì có thể đến tận tháng 11 tới thí sinh mới hướng về các trường cao đẳng và lúc này thì nguồn tuyển cũng không còn nhiều. Chưa kể đa phần các trường đại học luôn tuyển vượt chỉ tiêu đề ra, theo nguyên tắc có thể vượt đến 10% nên càng khiến các trường cao đẳng khan hiếm nguồn tuyển hơn.
Dù vậy, một số trường cao đẳng công lập vẫn khá lạc quan với lợi thế cạnh tranh về học phí so với các trường đại học, đặc biệt là đại học ngoài công lập. Với những trường đã khẳng định được uy tín thì thí sinh dù có khả năng trúng tuyển ĐH vẫn sẵn sàng đăng ký xét tuyển CĐ, bởi thời gian học rút ngắn và dễ có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo An ninh Thủ đô