Đứng trước kỳ thi THPT quốc gia 2015 với nhiều thay đổi, học sinh cần tìm ra chiến lược để vượt vũ môn thành công. Đánh giá đúng năng lực bản thân và hiểu rõ đề thi là giải pháp tối ưu để học sinh hoàn thành mục tiêu đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn.
Đánh giá năng lực bản thân là xác định đúng năng lực hiện tại. Trên cơ sở đó, học sinh lựa chọn phương pháp học và đặt ra mục tiêu phù hợp với năng lực.
Năng lực học tập không đơn thuần là xếp loại học lực trung bình, khá hay giỏi. Năng lực học tập hiểu theo một cách đơn giản là khả năng hiểu, tiếp thu kiến thức; khả năng vận dụng kiến thức; khả năng lĩnh hội kiến thức mới và kĩ năng làm bài hiệu quả.
Biết rõ năng lực của bản thân là hiểu mình đã tiếp thu kiến thức mức độ như thế nào; khả năng vận dụng kiến thức giải bài tập cũng như vận dụng kiến thức vào thực thế ra sao. Năng lực học tập còn thể hiện ở kĩ năng làm bài hiệu quả để tối ưu hóa điểm số (kĩ năng hiểu, phân tích đề ; kĩ năng phân bổ thời gian hợp lí khi làm bài).
Rất nhiều học sinh vì quá tự tin hoặc quá tự ti vào năng lực của mình nên đã lựa chọn trường đại học không phù hợp dẫn đến trượt đại học hoặc đậu nhưng bỏ ngang giữa chừng vì không phù hợp với trường đại học đó.
Em Hoàng Anh Tuấn (tân SV Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ : “Khi đăng kí thi trường Đại học Bách khoa HN, em nghĩ mình sẽ được ít nhất 8 điểm Toán. Tuy nhiên, do không biết mình nắm vững kiến thức nào nên em “ôm đồm” cả 10 câu, nhất là em dành tận 40’ giải bài toán tìm giá trị lớn nhất. Kết quả là em chỉ được 6,25 điểm Toán vì không giải được câu khó mà những câu hỏi còn lại cũng chưa chính xác”.
Năm 2015, việc xét tuyển vào các trường đại học có nhiều thay đổi. Sau khi biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia, học sinh mới lựa chọn trường đại học dựa trên kết quả thi và sở thích cá nhân. Đánh giá đúng năng lực sẽ giúp học sinh đặt ra mục tiêu điểm số phù hợp để có cơ hội lựa chọn trường đại học vừa sức.
Đối với học sinh lớp 12, điểm tổng kết môn học xếp loại trên lớp là một căn cứ để ghi nhận năng lực ở thời điểm hiện tại. Đối với học sinh không đỗ đại học thì điểm thi của năm trước đó cũng là là một căn cứ giúp các em nhìn lại bản thân. Ngoài ra, học sinh có thể làm bài kiểm tra đánh giá kiến thức ở các đơn vị giáo dục uy tín để nhận được kết quả đáng tin cậy.
Thế nào là hiểu đề thi?
Hiểu đề chính là biết cấu trúc đề như thế nào, bao gồm kiến thức gì, tỉ trọng của từng phần kiến thức, nội dung kiến thức nào thuộc câu hỏi dễ, nội dung kiến thức nào thuộc câu hỏi khó,…
Hiểu đề giúp học sinh có một cái nhìn tổng quan về nội dung kiến thức trong đề thi, từ đó xây dựng được một lộ trình khoa học để chuẩn bị tốt nhất về mặt kiến thức trước khi thi.
Trên cơ sở xác định đúng năng lực và hiểu đề thi, học sinh có thể xây dựng cho mình phương pháp làm bài để đạt được mục tiêu điểm số. Lúc này, học sinh sẽ biết nếu mục tiêu 5-6 điểm nên tập trung trang bị kiến thức nào, mục tiêu 9-10 điểm nên chú trọng phần kiến thức nào mà không học một cách dàn trải, thiếu tính trọng tâm.
Hiểu năng lực của mình và hiểu đề thi giúp học sinh xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả phù hợp năng lực
Em Hoàng Thị Việt Hường (SV trường ĐH Y dược Huế) chia sẻ: “Năm 2013, là học sinh lớp chuyên trường chuyên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An nên em hơi chủ quan về lực học của mình nên không đỗ vào ĐH Dược Hà Nội. Việc đầu tiên khi bắt đầu ôn thi lại, em chủ động rà soát lại kiến thức để biết mình “hổng” chỗ nào. Sau đó, em tìm hiểu cấu trúc đề thi các năm từ 2010 đến 2013 để lên kế hoạch học tập hợp lí. Điểm số của em đã cải thiện đáng kể”.
TS. Nguyễn Cam, thầy giáo luyện thi đại học nổi tiếng TP.HCM, người tham gia giảng dạy trực tuyến tại HTV4 và Hocmai.vn cũng đánh giá cao sự cần thiết phải “biết mình”, “biết đề” trước kỳ thi THPT quốc gia 2015. Thầy chia sẻ: “Đánh giá đúng năng lực của mình là chìa khóa để các em biết mình đã nắm chắc kiến thức nào và phải bổ sung kiến thức nào. Đây cũng là căn cứ quan trọng để các em lựa chọn trường đại học vừa sức. Bên cạnh đó, các em cần tìm hiểu nội dung, cấu trúc đề thi để có định hướng ôn tập trọng tâm. Hiểu được đề thi còn giúp các em làm bài thi một cách khoa học, biết được câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Ở môn Toán, một câu dễ hay một câu cực khó đều mang về 1 điểm. Vì vậy, hiểu rõ đề các em sẽ trở thành sĩ tử khôn ngoan nhất”.
Có thể nói, đánh giá đúng năng lực của bản thân và hiểu rõ đề thi là cơ sở đầu tiên để học sinh xác định mục tiêu chọn trường, từ đó xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với mục tiêu đó.
Theo Dantri.com
Hay