PGS Trần Văn Tớp (Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyên thí sinh, nếu đã đam mê ngành nào thì nên quyết tâm theo đuổi đam mê ấy. Vì nếu lựa chọn sai cánh cửa vào đời, ai cũng sẽ phải trả giá.
Ngày 26/2, Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp do báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội với hàng nghìn thí sinh tham dự.
Trước băn khoăn của thí sinh về việc tận dụng các cơ hội xét tuyển đại học, Phó cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Nghĩa cho biết, thí sinh cần đăng ký môn thi phù hợp. Trường hợp thí sinh dự thi nhiều tổ hợp môn thi và xét tuyển vào cùng một ngành thì có thể sử dụng tổ hợp có điểm thi cao hơn để xét tuyển.
TS Vũ Viết Bình (Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyên thí sinh không nên cố tận dụng tối đa nguyện vọng mà cần tìm hiểu kỹ, sau đó lựa chọn một hướng đi mà mình thấy chắc chắn nhất.
Câu hỏi học ngành nào hot, ra trường dễ xin việc, hoặc phải làm sao khi thích ngành này nhưng bố mẹ lại ép thi ngành khác năm nào cũng được thí sinh gửi đến các bàn tư vấn.
Em Nguyễn Hồng Minh băn khoăn không biết làm thế nào để thuyết phục bố mẹ vì Minh thích ngành công nghệ thông tin nhưng gia đình lại hướng thi công an. PGS Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, CNTT là ngành có nhu cầu việc làm cao ở cả trong và ngoài nước, thu nhập khá.
Mặc dù vậy, muốn theo học thì quan trọng là cần có đam mê thực sự thì mới học tốt được. Ngược lại dù có học ngành có hot nhưng không đam mê thì cũng rất mệt mỏi. Hơn nữa, CNTT là lĩnh vực rộng, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ cho các nghề nghiệp khác, trong đó có an toàn, an ninh thông tin ứng dụng cho trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
“Em có thể cân nhắc lựa chọn này, vừa thỏa mãn được sở thích lẫn nguyện vọng của gia đình. Nhưng điều cần ưu tiên vẫn là niềm đam mê thực sự của em”, thầy Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhắn nhủ thêm, nếu thí sinh đam mê ngành nào nên dũng cảm theo đuổi ngành đó vì sẽ gắn bó trọn đời với nghề, để mỗi ngày đi làm là một ngày vui. “Em nên thuyết phục bố mẹ rằng học CNTT vẫn có cơ hội làm việc trong ngành công an, bản thân em cũng cần biết ngành công an vẫn đào tạo CNTT. Quan trọng là con cái và bố mẹ có thể thỏa hiệp với nhau”, bà Phụng nói.
PGS Trần Văn Tớp (Hiệu phó Đại học Bách khoa) cũng khuyên thí sinh, nếu đã đam mê ngành nào thì nên quyết tâm theo đuổi đam mê ấy. Vì nếu lựa chọn sai cánh cửa vào đời, ai cũng sẽ phải trả giá. “Trước khi xác nhận nguyện vọng xét tuyển, em hãy tìm hiểu kỹ về ngành mà mình sẽ lựa chọn. Khi đã tìm hiểu kỹ, em sẽ có nhiều lợi thế trong thuyết phục bố mẹ”, ông Tớp khuyên một nữ thí sinh muốn thi vào khoa cơ khí của trường nhưng bị gia đình phản đối.
Với câu hỏi “ngành Kế toán thì trường nào tốt nhất?”, PGS Bùi Đức Triệu (Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng mỗi trường có một gia vị khác nhau. Như ôtô của Mỹ và Đức đều tốt nhưng mỗi loại có những tiện ích, ưu việt và cũng có những nhược điểm khác nhau. Vì thế thí sinh cần theo dõi trang web của các trường trong khối ngành mình định chọn để tìm hiểu về cả mặt ưu, nhược điểm, từ đó cân nhắc và quyết định.
Có thí sinh lo sợ học kinh tế ra trường sẽ thất nghiệp khi nhu cầu lao động ngành này đã bão hòa, ông Triệu cho rằng trong thời đại hội nhập thì thí sinh sẽ có cơ hội học một ngành, nhưng làm nhiều nghề nếu các em biết cách tích lũy và bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm.
“Thất nghiệp hay có nghề nghiệp tốt, lệ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của người học”, ông Triệu nói.