Nhiều trường cho biết, đây là tháng cao điểm của việc hoàn thành chương trình, đồng thời ôn thi THPT quốc gia 2016 cho học sinh. Nhiều trường vừa dạy chương trình chính khóa, vừa chia học sinh theo lực học để ôn thi.
Ôn theo nhóm năng lực học tập
Hiện nhiều tỉnh thành phía Bắc cho biết, qua thống kê sơ bộ ban đầu, nhiều học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, toàn tỉnh Hà Giang có 1.800/6.700 học sinh dự thi với mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Số còn lại chỉ thi để xét tốt nghiệp.
Sở GD&ĐT Hà Giang đã yêu cầu các trường hoàn thành chương trình dạy – học theo đúng thời gian quy định. Từ tháng 6 cho đến kỳ thi, các trường tổ chức ôn tập cho học sinh không vượt quá 24 tiết/tuần/lớp, một lớp không quá 45 học sinh.
Theo Sở GD&ĐT Bắc Giang, năm nay toàn tỉnh có hơn 17.000 học sinh khối 12 tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1 nghìn thí sinh của năm trước dự thi lại để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, ngay từ đầu năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã chỉ đạo các trường trên địa bàn xây dựng chương trình phù hợp với từng học sinh.
Tại tỉnh Hòa Bình, thông qua một số trường đã có báo cáo sớm, toàn tỉnh có khoảng 40% học sinh đăng ký vừa tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học. Khoảng 60% số học sinh còn lại chỉ dự thi để xét tốt nghiệp do đây là địa phương miền núi nên nhiều em không có nhu cầu dự thi ĐH, CĐ.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Lào Cai, năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có 2.839 em đăng ký thi xét tuyển cao đẳng, đại học. Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia.
Theo đó, địa phương này chú trọng phân loại học sinh theo nhóm năng lực học tập để có phương pháp dạy học và hướng dẫn tự học phù hợp.
Hà Nội: Sát sao với đối tượng học lực yếu
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, với những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia, ngay từ đầu năm học 2015 – 2016, Sở GD &ĐT đã yêu cầu các trường THPT tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn để đáp ứng những thay đổi của việc học và thi.
Về “chiến lược” ôn thi, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các trường tập trung, lưu ý sát sao các học sinh có học lực trung bình và yếu, nhà trường phải lên phương án, kế hoạch cụ thể phụ đạo cho những học sinh này. Từng nhà trường, tùy thuộc vào năng lực của học sinh để có điều chỉnh, hướng dẫn ôn tập hợp lý sao cho hiệu quả.
Theo ghi nhận của PV Dân trí trước đó, nhiều trường THPT trên địa bàn đã có kế hoạch ôn thi cho từng đối tượng học sinh.
Theo ông Đặng Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), trong 6 năm trở lại đây, trường không tổ chức ôn thi cho học sinh có học lực yếu bởi đầu vào của trường khá cao.
Do trường có tài liệu sớm nên, theo ông Chiến, học sinh được ôn tập theo phương thức lồng ghép trong chương trình chính khóa chứ không tổ chức lớp ôn tập trung ngoài giờ học.
Chỉ đến khi kết thúc chương trình chính khóa vào cuối học kỳ II, nhà trường dự kiến sẽ thống nhất với phụ huynh và học sinh để tổ chức ôn thi trong vòng 3-4 tuần cho các em theo kiểu thi môn nào, ôn môn đấy, không ôn đại trà.
Ông Phạm Vương Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, việc ôn thi được chia đều thành các dạng trong cả năm, không chỉ dồn vào trong 1-2 tháng. Tuy nhiên, với học sinh đầu kém, nhà trường sẽ tổ chức các lớp ôn tập bắt buộc.
“Sau khi kết thúc chương trình học kỳ II và có kết quả học tập cuối năm, nhà trường sẽ tham khảo ý kiến của cha mẹ học sinh phối hợp về thời gian và động viên học sinh tham dự các lớp ôn tập này. Để tránh dư luận xấu, nhà trường không yêu cầu các em đóng bất cứ khoản tiền gì. Giáo viên của nhà trường cũng được động viên giảng dạy các lớp ôn tập này cho học sinh”, ông Tấn nói.
Theo Mỹ Hà báo dantri