Bộ GD-ĐT vừa điều chỉnh lại đồ họa phổ điểm môn Toán và Ngữ văn do bị lỗi. Kết quả điều chỉnh cho thấy có khoảng gần 40.000 thí sinh bị điểm liệt môn Toán và hàng nghìn thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ Văn.
Lỗi đồ họa phổ điểm môn Toán và Ngữ văn khi điểm xuất phát lệch một cột nên dẫn đến giá trị ở các mức điểm thí sinh đạt được bị xê dịch. Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết: “Ở đây chỉ có lỗi một chút về đồ họa, còn về giá trị các điểm số công bố trước đó thì vẫn giữ nguyên”.
Theo bản đồ họa mới, đối với môn Toán thì có đến 5.410 thí sinh bị điểm 0; 6.671 thí sinh đạt 0,5 điểm, 8.586 thí sinh bị điểm 1. Ở phổ điểm này không thể hiện số thí sinh đạt mức 0,25 và 0,75. Ước tính số thí sinh bị điểm liệt ở môn Toán có thể lên đến khoảng gần 40.000 em. Tổng số thí sinh đạt điểm 10 chỉ là 86 em.
Đối với môn Ngữ Văn, thì số thí sinh bị điểm 0 là 423 em, mức 0,5 điểm là 192 em và mức 1 điểm là 349 em. Tuy nhiên nếu tính số thí sinh đạt ở mức 0,25 và 0,75 thì con số thí sinh bị điểm liệt có thể lên đến hàng nghìn. Ở môn Văn, Bộ GD-ĐT cũng xác nhận không có thí sinh nào đạt điểm 10. Chỉ có 11 thí sinh đạt điểm 9,5 và 7 em đạt 9,75.
Bất ngờ với phổ điểm môn Toán và Ngoại ngữ
Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, trong nhiều năm qua ở cả kì thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ thì chưa thấy xuất hiện một phổ điểm “lạ” như môn Toán. Sau khi rơi vào vùng phổ điểm trung bình là 5-7 thì đáng lẽ gia sẽ giảm dần về tiệm cận điểm 10. Tuy nhiên với phổ điểm công bố, khi đường cong giảm dần xuống mức 8,5 thì bất ngờ lại tăng lên đột ngột ở mức 9,0 rồi mới rơi xuống. Qua đây cho thấy có khả năng xuất hiện sự bất thường trong công tác ra đề hoặc tổ chức coi thi ở một cụm thi nào đó chưa tốt.
Để minh bạch vấn đề này Bộ GD-ĐT nên công bố phổ điểm môn thi của từng cụm thi. Trên cơ sở vùng phổ điểm của từng cụm Bộ GD-ĐT cũng sẽ rút được kinh nghiệm trong khâu tổ chức tránh những tiêu cực không đáng có. Bên cạnh đó cũng là cơ sở để cho các trường ĐH, CĐ đánh giá khả năng nghiêm túc ở từng cụm thi do ĐH chủ trì.
Bộ GD-ĐT từng khẳng định, đề thi THPT quốc gia có khoảng 60 % câu hỏi cơ bản và 40% câu hỏi phân hóa. Nếu như các môn thi khác thể hiện được khá rõ nét chủ trương này thì ở môn Ngoại ngữ lại hoàn toàn trái ngược.
Vùng phổ điểm chủ yếu của môn Ngoại ngữ lại rơi vào vùng 2-3,5 điểm, trong khi vùng mức điểm trung bình 5-6 lại rất thấp. Không ít người cho rằng với cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay việc điểm môn thi này có kết quả như vậy là điều bình thường. Tuy nhiên, nhìn lại phổ điểm ở kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2014 cho thấy có sự “xáo trộn” rất lớn ở môn thi này trong khi cách thức thi vẫn không có sự thay đổi. Bên cạnh đó, hầu hết thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ thuộc những vùng thuận lợi bởi vùng khó khăn được phép chọn môn thi thay thế.
Theo một số nguồn tin thí sinh cung cấp, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án của kì thi THPT quốc gia thì nhiều em đã đối chiếu kết quả bài làm của mình để tính toán điểm. Mức điểm tính toán của các em lệch khá nhiều so với kết quả Bộ GD-ĐT đưa ra.
Một thí sinh dự định xét tuyển vào một trường ĐH tốp đầu của Hà Nội và dự thi tại cụm thi ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Em tính phần thi trắc nghiệm của môn Tiếng Anh đạt 6,75 điểm và em cũng viết rất tốt phần luận. Tuy nhiên tra cứu kết quả thì chỉ được 6,75 điểm, như vậy em hoàn toàn không có điểm phần luận. Chắc chắn em sẽ làm đơn xin phúc khảo vì việc em không được điểm nào phần luận là quá vô lý”.
Một cán bộ làm công tác tuyển sinh lâu năm cho biết: Đối với môn thi Ngoại ngữ thì có hai phách. Một phách ở phần trắc nghiệm và một phách ở phần viết luận. Nếu trong quá trình đỗ dữ liệu vội vàng và không để ý thì có thể dẫn đến việc quên đưa điểm phần tự luận vào và dĩ nhiên thí sinh sẽ không có điểm phần này. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT cần rà soát lại dữ liệu môn Ngoại ngữ để kiểm tra quy trình thực hiện đã chính xác hay chưa?
Theo báo dantri